3/22/12

KỶ NĂNG THÀNH CÔNG

KỶ NĂNG NÓI HAY.


“Nói chuyện” có dễ không? Chắc hẳn bạn sẽ trả lời ngay là “Dễ ợt! Ai sinh ra mà không biết nói.” Nhưng vấn đề ở đây là “nói” như thế nào cho hiệu quả, và đó lại là chuyện khác. Có thể bạn không thể nói thật hay như những diễn giả, nhưng khi đã nói bạn phải đạt được mục tiêu mình mong muốn.

Sau đây là những thủ thuật giúp bạn tạo thêm “trọng lượng” cho lời nói của mình.


Chuẩn bị trước
Nên chuẩn bị trước và hiểu rõ những gì bạn định nói với người khác. Hãy chuẩn bị dàn bài trong đầu, những gì cần nói trước và những gì nói sau. Nguyên tắc là bạn nên trình bày những điều quan trọng nhất đầu tiên, sau đó mới đến những ý “râu ria” bổ sung. Nếu không người khác khó mà nắm bắt được ý của bạn. Và hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ những gì mình định nói, vì nếu bạn không hiểu thì làm sao người khác hiểu được.

Đi thẳng vào vấn đề
Bạn đừng bao giờ đi vòng vèo rồi mới nói tới vấn đề chính. Ví dụ, khi người khác hỏi công việc của bạn thế nào; bạn hãy bắt đầu từ ngày hôm nay, thay vì “Thứ hai đầu tuần tôi…”. Không ai đủ kiên nhẫn để nghe những chuyện họ không quan tâm cả.

Kiểm soát tốc độ

Kiểm soát được tốc độ nói sẽ giúp bạn cải thiện được chất lượng lời nói của mình. Số lượng từ nói trong mỗi phút nên dao động khoảng 130 đến 150 từ. Tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm. Nói quá nhanh khiến người nghe không thể theo kịp những gì bạn nói. Trong khi nói quá chậm và kéo dài lê thê khiến người nghe trở nên mệt mỏi, chán nản và dễ dàng đoán được những gì bạn sắp nói.

Giọng điệu
Giọng nói cùng với từ ngữ bạn sử dụng là hai trong những yếu tố quyết định sự thành bại khi bạn nói chuyện với người khác. Ví dụ, khi thông báo những tin vui thì nên nói với giọng vui vẻ và hào hứng; đối với quyết định quan trọng thì nên nghiêm khắc và trịnh trọng.

Nuốt chữ
Nuốt chữ là một xu hướng khá phổ biến trong giao tiếp. Tuy nhiên việc này có thể khiến người khác phải suy nghĩ nhiều hơn để hiểu những gì bạn nói. Khi giao tiếp bằng tiếng Anh, bạn nên lắng nghe thật cẩn thận vì người bản xứ nuốt chữ khá nhiều. Bạn cũng vậy, nếu bạn nuốt các âm cuối của các từ tiếng Anh, người khác sẽ không hiểu được bạn muốn nói gì đâu. Ví dụ card (có âm d sau cùng), nếu không phát âm đúng bạn sẽ biến từ này thành chiếc xe hơi đó (car).

Tránh lặp lại
Trừ khi người đối diện không nghe kịp hay ra hiệu cho biết là không hiểu, bạn đừng nên lặp lại những gì đã nói. Chỉ nên trình bày vấn đề một lần và chuyển qua những phần khác.

“Nói” và “nói hay” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau phải không bạn? Hy vọng những thủ thuật trên có thể giúp bạn không phải “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Sáu bí quyết thành công của Steve Jobs


Doanh nhân huyền thoại, tổng giám đốc điều hành của Apple Computers, Steve Jobs, đã khởi đầu cuộc đời một cách gian khó. Ông được nhận làm con nuôi từ lúc còn nhỏ, bỏ học cao đẳng chỉ sau 6 tháng và đã từng phải đem đổi vỏ chai nước ngọt để lấy tiền mua thực phẩm. Mặc dù vậy, ông đã nỗ lực để thành lập Apple Computers và Pixar Animation Studios, và hiện nay là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thời đại. Vậy bí quyết nào đã giúp ông thành công như thế?


1. Làm điều bạn yêu thích
Theo Steve: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”

Hoàn toàn đúng! Làm một công việc bạn không thích thì cũng giống như nồi tròn mà úp vung méo. Mỗi ngày bạn đều cố gắng hết sức mình để làm việc, nhưng không bao giờ thật sự đạt được thành công mà bạn cảm thấy mình đáng được nhận. Mỗi ngày làm việc là một trận chiến – hoặc ít nhất cũng là một chướng ngại cần vượt qua – bởi vì bạn chỉ cố gắng làm việc cho hết ngày để tối được về nhà, chứ không vui thú gì với công việc.

Khi bạn chỉ chú tâm làm việc cho hết ngày, hoặc tốn thời gian vào những dự án hoặc tác vụ không thú vị, bạn làm công việc khó khăn hơn cho chính mình. Khi bạn có sự đam mê, và bạn yêu thích những gì bạn làm, bạn sẽ làm việc với hiệu suất cao hơn, năng nổ và vui vẻ hơn với mọi người. Bối cảnh nào bạn nghĩ sẽ mang đến thành công một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất? Câu trả lời thật quá rõ ràng!

Vì thế, nếu bạn muốn thật sự thành công trong cuộc sống, đầu tiên, bạn phải dành thời gian và công sức để nhận ra bạn yêu thích việc gì, và sau đó tìm một chiến lược để đạt được nó. Việc này nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải lúc nào cũng dễ làm. Bạn cần chuẩn bị sẵn sàng để tự tiến hành tìm kiếm và khám phá đam mê thật sự của mình là gì (không phải cái bạn nghĩ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè và xã hội trông đợi ở bạn). Việc ba mẹ của bạn muốn bạn trở thành một luật sư hay kế toán viên hàng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ tìm thấy thành công và niềm đam mê trong công việc đó.

2. Tầm nhìn xa
Theo Steve, “Bạn không nên lo lắng về quá nhiều việc cùng một lúc. Hãy bắt đầu từ một vài việc đơn giản, sau đó mới chuyển qua những việc phức tạp hơn. Hãy suy tính không chỉ cho ngày mai, mà còn cho tương lai.”

Sự quá tải vì công việc có thể cản bước tiến của bạn trên con đường công danh sự nghiệp. Đây là một bệnh dịch ác hiểm, có thể “đè bẹp” nhiều người trên hành trình đến thành công. Vì thế, bạn phải luôn giữ được sự tập trung. Sự quá tải vì công việc “lẳng lặng” đến khi chúng ta quên mất mục tiêu chính của mình và để nhiều việc khác tràn ngập trí não của chúng ta. Một khoảnh khắc bạn tập trung vào một việc tối quan trọng, có thể giúp bạn nhanh chóng đạt đến thành công. Tuy nhiên, ở phút kế tiếp, bạn lại mãi nghỉ về cả trăm việc khác bạn cần làm, và thế là sự quá tải đến !

3. Hãy nêu cao tinh thần doanh nhân

Steve nói “Hãy tìm kiếm ý tưởng lớn kế tiếp. Tìm ra những ý tưởng cần được hiện thực hóa một cách nhanh chóng và quyết đoán rồi “nhảy” vào thực hiện nó. Đôi khi bước đầu tiên chính là bước khó khăn nhất. Hãy đi bước đầu tiên này! Hãy mạnh dạn theo đuổi tình cảm và trực giác của bạn.”

Không ít lần tôi tình cờ gặp những người thông minh và khôn ngoan đến tuyệt vời. Họ có những ý tưởng rất hay hoặc khả năng kinh doanh, nhưng họ không sẵn sàng để thực hiện “cú nhảy” mà Steve đề cập. Vấn đề ở đây là họ biết họ muốn cái gì, nhưng lại chưa tìm ra cách để có được chúng. Vì thế, họ dừng lại và không tiến thêm nữa.

Mặc dù có một kế hoạch hay chiến lược để hiện thực hóa ý tưởng là rất quan trọng, không nên để việc quá chú trọng vào “LÀM CÁCH NÀO đạt những mục tiêu” khiến công việc của bạn bị đình trệ. Đôi lúc bạn không thể nào biết được tất cả các câu trả lời. Không sao cả, cứ tiếp tục công việc, từng bước một. Cuối cùng, tất cả những chi tiết bạn cần biết sẽ lộ ra. Còn nếu không làm gì cả, bạn sẽ chẳng tiến được đến đâu.

Ca sĩ/tay guitar nổi tiếng Jim Rowland đã từng nói “Sự kỷ luật chỉ nặng một ounce còn sự hối tiếc nặng đến một tấn” (1 tấn = 32 000 ounce). Hãy duy trì tính kỷ luật và lòng dũng cảm để tiến về phía trước theo từng bước nhỏ, và bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc về những tiến bộ bạn đã đạt được.

4. Hãy tạo sự khác biệt
Theo Steve “Hãy tạo sự khác biệt. Hãy suy nghĩ khác mọi người. Chẳng thà làm một tên cướp biển còn hơn là gia nhập đội ngũ hải quân”

Tôi thích câu này của Steve vì cả từ “hải quân” và “cướp biển” đều gợi nhớ cho tôi nhiều điều! Tôi đã làm việc 14 năm trong môi trường công ty (chưa kể một khoảng thời gian ở trong quân dự bị) nhưng tôi đã vứt bỏ những điều đó để thành lập công ty Outshine Consulting and The Success Rules. Hiện tại không có sự lựa chọn nào tốt hơn cái nào, nhưng tôi nghĩ điểm mấu chốt cần suy nghĩ ở đây là bạn muốn nắm giữ vị trí gì trong cuộc sống.

Nếu chúng ta sống trong một thế giới liên tục thay đổi, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều hỗn loạn.
Tuy nhiên, để trở thành một doanh nhân thành công như Steve Jobs, điều tối quan trọng là bạn phải liên tục tìm cách thay đổi hiện trạng (status quo), tìm kiếm những ý tưởng mới, có đầu óc cách tân và sáng tạo. Việc làm theo những gì có sẵn nhiều khả năng sẽ tạo ra những kết quả cũ hơn là những cái hiện đại và mới mẻ.

Bạn muốn có sự thách thức và thay đổi, hay bạn thích sự ổn định? Hãy thành thật với chính bản thân bởi vì không phải ai cũng có thể làm lính hải quân, và không phải ai cũng có thể làm hải tặc giỏi!

5. Nỗ lực hết mình
Theo Steve “ Hãy nỗ lực hết mình khi làm bất cứ việc gì. Thành công sẽ tạo ra thành công. Vì thế hãy khát khao thành công”

Nếu bạn “mắc kẹt” trong việc suy nghĩ xem làm cách nào để thành công, hoặc chờ đợi thành công đến với mình, bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Thành thật mà nói, đứng yên tại chỗ cho thấy bạn không thật sự khát khao thành công.

Bạn cần tiếp tục công việc, và phải năng động vì mỗi một thành công bạn có – dù nhỏ đến đâu - sẽ giúp tạo ra nhiều và nhiều thành công về sau. Khi động lượng tăng lên thì mức độ thành công của bạn cũng tăng theo. Đến lượt mình, nó lại tạo ra thêm nhiều động lượng và động lực làm việc. Trong điều kiện lý tưởng nhất, đó chính là hiệu ứng quả cầu tuyết (Khi một quả cầu tuyết lăn xuống dốc, nó tích lũy thêm nhiều tuyết bám trên bề mặt nên ngày một lớn hơn) Tuy nhiên, bạn vẫn cần có lòng khao khát để đạt được mục tiêu và sẵn lòng hành động để trải nghiệm nó.

6. Không ngừng học hỏi
Theo Steve “Lúc nào cũng có một cái gì đó mới mẻ để bạn học! Trao đổi ý kiến, học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và đối tác. Nếu bạn làm việc với một người bạn không thích, hãy học cách thích họ. Hãy khen ngợi họ và thu được lợi ích gì đó từ họ.”

Nếu năng lực của bạn không gia tăng, bạn sẽ chết dần. Đây có thể là một câu khó nuốt, nhưng đó là sự thật. Nếu không phát triển, học hỏi và trưởng thành, bạn sẽ trở nên ốm yếu và chết dần. Bạn muốn mình rơi vào trường hợp nào?

Steve Jobs rõ ràng có được sự cân bằng. Ông không đạt được thành công như ngày hôm nay bằng cách nghỉ ngơi và tận dụng những tri thức sẵn có. Ông liên tục sáng tạo và đổi mới. Điều này chỉ có thể đạt được từ việc không ngừng học hỏi.

Thông qua việc xây dựng một mạng lưới quan hệ xã hội hữu hiệu, bạn có thể học được nhiều điều từ những người thông thái. Họ có thể thách đố tư duy của bạn và giúp bạn phát triển ý tưởng và chiến lược mới để đạt được thành công. Học tập cũng giống như tiêu tiền. Bạn có thể mở mang kiến thức mỗi ngày bằng cách nhận thức ưu điểm của những người xung quanh bạn, hoặc đọc sách thay vì ngồi trước màn hình. Sự lựa chọn là của bạn.
(Theo Ezinearticles.com)

9 sai lầm cần tránh khi giao dịch với khách hàng

Dịch vụ khách hàng tốt sẽ tạo danh tiếng tốt cho công ty bạn. Để xây dựng được một dịch vụ khách hàng tốt bạn cần tránh những sai lầm sau:


1. Nhân viên chưa được đào tạo: Dù bạn có 2 hay 200 nhân viên thì bạn vẫn cần phải đào tạo họ một cách bài bản về nghệ thuật giao dịch với khách hàng. Khách hàng sẽ không dễ bỏ qua cho lỗi lầm của nhân viên đối tác như đưa ra những thông tin không chính xác về sản phẩm hoặc thiếu nhiệt tình khi làm việc.


2. Cố dành phần thắng khi tranh luận với khách hàng: Trong giao dịch nếu có bất kỳ tranh luận hay mâu thuẫn nào với khách hàng bạn không nên cố gắng phân định đúng sai với khách hàng. Điều bạn cần làm là tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề mà vẫn làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái.

3. Hệ thống liên lạc chưa tốt:
Khách hàng sẽ không muốn giao dịch tiếp nếu họ gặp khó khăn khi liên lạc với công ty đối tác. Điện thoại luôn bận hoặc thư điện tử không được trả lời nhanh là một trong những yếu kém trong hệ thống liên lạc cần được cải thiện nếu công ty bạn muốn “giữ chân” được khách hàng.

4. Đứng về phía chính sách của công ty một cách thái quá: Không bao giờ được nói với khách hàng rằng “Đây là chính sách của công ty chúng tôi” hay “Nếu tối chấp thuận yêu cầu này của bạn, tôi sẽ phải làm vậy với cả những khách hàng khác”. Thay vào đó bạn cần tìm ra cách nói mềm mỏng để làm cho khách hàng hiểu rằng đây là những chính sách đã được nghiên cứu rất kỹ để có thể đem lại lợi ích cho cả hai phía.

5. Không giữ lời hứa: Nếu hai bên đã thống nhất ngày giao hàng thì công ty bạn phải đảm bảo rằng hàng sẽ đến đúng theo lời hẹn. Nếu có bất cứ điều gì gây cản trở ngày giao hàng thì điều quan trọng là lấy lại niềm tin nơi khách hàng. Gửi tới lời xin lỗi chân thành, đảm bảo việc này sẽ không bao giờ xảy ra và lần này công ty sẽ bồi hoàn mọi tổn thất vì hàng đến chậm.

6. Ghi nhớ sai tên khách hàng: Đây là lỗi khá đơn giản và chủ yếu do tính bất cẩn của nhân viên gây ra. Ví dụ, bạn liên tục gọi khách hàng là bà Johnson thuộc công ty Jackson Avenue nhưng thực ra đó là bà Jackson thuộc công ty Johnson Avenue. Chắc chắn rằng họ sẽ không muốn tiếp tục làm việc với công ty bạn thêm nữa.

7. Giao dịch lòng vòng: Khi bất kỳ ai gọi đến dịch vụ khách hàng, họ đều mong muốn được nói chuyện với người cần gặp (như người quản lý hoặc nhân viên họ đang làm việc cùng) chỉ sau khi lễ tân nối máy. Nếu họ cứ phải qua hết người này đến người khác mà chưa nói chuyện được với người cần gặp thì họ sẽ cảm thấy mệt mỏi và dễ bực tức.

8. Không chú ý lắng nghe yêu cầu của khách hàng:
Khi khách hàng hỏi một vấn đề này mà nhân viên trả lời với một vấn đề khác. Điều này chứng tỏ họ không chú tâm tới vấn đề của khách hàng khi nói chuyện. Đó là lý do tại sao khả năng nghe và ghi nhớ nhanh vấn đề là một trong những kỹ năng đòi hỏi khi tuyển dụng các nhân viên cho phòng quan hệ khách hàng.

9. Quên những quy tắc cơ bản: Nhiều khi các nhân viên đã quên đi những câu nói lịch sự xã giao thông thường khi nói chuyện với khách hàng. “Làm ơn”, “cảm ơn,” “chúng tôi rất xin lỗi về sự bất tiên đã gây ra cho quý khách”… là những câu nói đơn giản nhất thể hiện sự nhiệt tình và thái độ lịch sự đối với khách hàng mà bất kỳ nhân viên nào cũng cần biết. 

 Đường đến thành công


Trong tác phẩm Đường đến thành công, tác giả Thomas Robarge cho rằng muốn hiện thực hóa những ước mơ của mình, bạn phải có sự trải nghiệm và những phẩm chất cần thiết. Đó là:

Thái độ lạc quan:
Thái độ lạc quan giúp bạn dễ dàng ứng phó với khó khăn trắc trở và giúp bạn hành động hiệu quả hơn, sáng suốt hơn trong mọi công việc.

Sự linh động: Phải biết linh động thay đổi trong mọi tình huống, nhất là trong cuộc sống xô bồ và “dễ đổi thay” như ngày nay. Bạn thử tưởng tượng: Hôm nay, bạn đang làm những chuyện mà 5 năm trước, bạn không dám nghĩ đến!



Niềm tin: Không có sức mạnh nào lớn hơn niềm tin vào năng lực của chính mình. Bạn chắc còn nhớ tác phẩm “Tình yêu cuộc sống” nổi tiếng của Jack London? Nếu không có niềm tin tuyệt đối và sự quý yêu cuộc sống vô vàn của nhân vật chính, anh ta hẳn đã chết trong băng tuyết cực lạnh của Bắc Cực rồi. Vì vậy, để thành công, bạn hãy luôn tâm niệm trong lòng mình “Tôi làm được, tôi phải làm được, tôi sẽ thành công, tôi sẽ chiến thắng!”

Tôi có thể là những gì tôi muốn: Vì vậy, bạn luôn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Một đứa trẻ lớn lên có thể trở thành một chính khách vĩ đại, một thương gia giàu có, một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử. Cũng như Siemens, người khi còn bé có một gia cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng ông đã kiên quyết đeo đuổi việc học và nghiên cứu để trở thành một chuyên gia cơ khí, một thương gia lỗi lạc của thế giới, và ông được vinh danh đặt tên cho hãng điện tử Siemens nổi tiếng ngày nay.

Tự kỷ thành công của mình:
Đây là một cách tự kỷ để giúp cho tinh thần của bạn thêm phấn chấn. Bạn hãy hỏi: “Mình sẽ được gì nếu đạt được mục tiêu đề ra?” và hãy liệt kê những “thành quả tương lai” của bạn. Thành công trong tâm tưởng bạn sẽ “quyến rũ” thành công thực sự.

Luôn nuôi dưỡng động lực mọi lúc mọi nơi:
Hãy viết ra những mục tiêu của bạn trên giấy và luôn đem theo chúng bên mình để xem đi xem lại khi có thể. Nếu mục tiêu là “vật hữu hình”, hãy vẽ nó ra và đặt ở những nơi quan sát được. Điều này sẽ giúp bạn hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình.

Thất bại: “Thất bại là mẹ thành công”, và bất cứ ai thành công cũng đều đã từng nếm qua vị đắng của thất bại.

Thế nhưng, thất bại chính là hình bóng đứng sau thành công và bạn phải biết cám ơn nó. Những người thành công là những người có nhiều trải nghiệm, họ đã từng phải ứng phó, đối mặt và học hỏi rất nhiều từ thất bại của mình.

Nếu bạn đã thất bại, không có nghĩa bạn đã thua. Bạn phải tìm ra nguyên nhân và học hỏi từ nó để có thể rút ra bài học cho riêng mình và tiếp tục tiến bước đến thành công.

Lên danh sách những khó khăn gặp phải: Muốn đạt được mục tiêu, bạn phải nắm rõ những khó khăn gặp phải. Chẳng hạn nếu bạn thiếu thời gian hoàn thành công việc nào đó, bạn phải ghi rõ nguyên nhân.

Tiếp đến, để vượt qua khó khăn, hãy liệt kê 5-6 nhiệm vụ cần hoàn thành. Nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ở vị trí đầu tiên. Lên kế hoạch hoàn thành từng nhiệm vụ một theo thứ tự ưu tiên. Bạn càng tìm nhanh giải pháp, bạn càng nhanh thoát khỏi những khó khăn gặp phải.

Đi tìm những khoảng lặng:
Hãy tập thực hành “thiền định”, suy nghĩ và lên kế hoạch giải quyết vấn đề trong một không gian tĩnh lặng. Nếu khó khăn quá nghiêm trọng, bạn đừng giải quyết ngay. Hãy tìm một không gian yên ắng và dành thời gian để suy nghĩ về nó.

Giúp đỡ mọi người: Một mình bạn có thể làm tốt được mọi việc không. Chắc chắn là không. Vì vậy bí quyết đằng sau thành công của những người thành đạt chính là khả năng họ làm việc “ăn rơ” với tất cả mọi người. Sự làm việc “ăn rơ” ấy xuất phát từ việc họ không nề hà giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng của họ. Tinh thần làm việc đồng đội không chỉ giúp cho bạn và mọi người dễ dàng giải quyết các khó khăn mà về sau, bạn sẽ có những đồng sự hỗ trợ đắc lực khi bạn gặp khó khăn.

Bạn thấy đó, thành công không nằm xa tầm tay của bạn. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mà mình yêu thích. Thành công hay thất bại, tất cả đều do chúng ta quyết định. Vậy thì bạn hãy dành thời gian đi tìm giấc mơ cho mình và HIỆN THỰC HÓA chúng.

Source: Your workbook for success

Tiếp thị qua điện thoại


Tiếp thị sản phẩm và DV chăm sóc KH qua điện thoại được sử dụng theo nhiều cách ở nhiều công ty và trong tất cả các ngành nghề kinh doanh. Vì thế, bất cứ ai cũng có thể sử dụng điện thoại để làm tốt hơn công việc kinh doanh.

Bán… giọng nói

Những kênh tiếp cận KH như QC, đem sản phẩm và DV tiếp thị tận nơi, chào mời KH… đều có khả năng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, còn một cách thức khác hiệu quả không kém. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, tổng giám đốc Khang Duy Nguyễn Group, chuyên về sản xuất và phân phối các sản phẩm mực in laser Inkmate Cartridge, cho biết: “Sử dụng giọng nói như một công cụ bán hàng qua điện thoại hay các thiết bị có liên quan sẽ giúp cho DN tiếp cận KH của mình nhanh chóng, trực tiếp hơn”.

Xét về chi phí, gọi điện thoại là giải pháp hiệu quả tại Khang Duy Nguyễn Group, giúp có nhiều KH tiềm năng. Việc chăm sóc và phát triển hệ thống đại lý trên toàn quốc cũng tốt hơn (doanh số tăng trung bình 50%/năm). Gọi điện thoại mang lại hiệu quả nhờ khả năng giao tiếp trực tiếp và chí phí giảm so với QC trên báo, đài, ti vi và các phương tiện truyền thông khác.”Điện thoại đúng cách giúp tăng cường mối quan hệ với những KH hiện tại của công ty”, ông Nguyên nói.

Tuy nhiên, hạn chế của hình thức tiếp thị qua điện thoại là phải giao dịch trực tiếp nên có khả năng không thực hiện được khi KH bận. Những lời nói đơn điệu cũng có thể gây ra cảm giác bị làm phiền, phản tác dụng. Tiếp thị qua điện thoại thành công là nhanh chóng nắm bắt được sự chú ý của người nghe và và chứng minh được sản phẩm DV mình cung cấp rất hữu ích cho người nghe - KH tiềm năng.


Kỹ năng và kinh nghiệm


“Tiếp thị qua điện thoại là hình thức thâm nhập, cẩn thận khi sử dụng và không nên dùng để hoàn tất quy trình bán một sản phẩm phức tạp”, ông Nguyễn Thành Nguyên, tổng giám đốc công ty Khang Duy Nguyễn Group.

Đội ngũ chuyên viên tiếp thị và bán hàng qua điện thoại phải có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng và truyền đạt thông tin hiệu quả. Trong mỗi công ty, kỹ năng và trách nhiệm của các nhân viên tiếp thị qua điện thoại khác nhau. Công ty cần sử dụng đúng người, đúng kỹ năng cho từng chiến dịch cụ thể.

Theo ông Nguyên, tiếp thị qua điện thoại đòi hỏi nhiều kỹ năng: sử dụng giọng nói để chuyển tải thông điệp; biết cách tác động tốt với những người chưa biết về bạn cũng như thúc đẩy những mối quan hệ và tin tưởng nhanh chóng; vượt qua những định kiến và phản bác; có khả năng đàm phán, giải quyết mâu thuẫn; có tính tổ chức cao và có khả năng quản lý thời gian; luôn tận tụy và thúc đẩy các KH tiềm năng; hiểu rõ KH tiềm năng…

Tiếp thị qua điện thoại cần sự sẵn lòng của KH mục tiêu. Trước khi bắt đầu cuộc gọi, hãy thiết lập bảng câu hỏi dạng nhánh; những giải pháp, kịch bản dự kiến sẽ được đề nghị trước…

Quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử văn hóa trong gọi điện thoại, văn hóa DN. Khang Duy Nguyễn Group ngoài trang bị hệ thống tổng đài điện thoại hoạt động liên tục 24/24 phải tuyển dụng nhân sự chọn lọc cho các vị trí tiếp thị và chăm sóc KH. Nhân viên đảm nhận vị trí này ngoài được đào tạo, am hiểu sản phẩm, DV của công ty còn phải có cung cách ứng xử, giao tiếp thân thiện, lễ phép… Theo quy định, trong giờ làm việc, nhân viên trực điện thoại phải trả lời giải đáp thắc mắc cho KH về sản phẩm, DV một cách chính xác và nhanh nhất; không được để chuông điện thoại reo quá 3 lần. Ngoài giờ làm việc, Khang Duy Nguyễn chuyển cuộc gọi và lưu lại thông tin các KH gọi đến để liên lạc sau…

Tiếp thị qua điện thoại cần sự sẵn lòng của KH mục tiêu; khi mối tương tác được thiết lập, không lãng phí thời gian của họ; đảm bảo có lợi cho cả hai phía. Trước khi bắt đầu cuộc gọi, hãy thiết lập mục tiêu và các nội dung giải đáp dự kiến. Ví dụ, mục tiêu có thể là “tìm hiểu lý do KH từng làm ăn không quay lại”. Hãy thiết lập bảng câu hỏi dạng nhánh; những giải pháp, kịch bản được đề nghị trước như thông tin khuyến mãi, giảm giá để tiếp cận cũng như mong muốn KH tiếp tục đến với mình. Nội dung phải ngắn gọn, chính xác (bạn là ai, tại sao và bằng cách nào bạn biết họ tên KH, sản phẩm, DV bạn mang đến lợi ích gì và họ cần làm gì tiếp theo để nhận ra lợi ích đó)… Cuối cùng, hãy chắc chắn rằng cuộc gọi đã mang lại những giá trị quan trọng cho KH mục tiêu và cho người gọi điện thoại tiếp thị. Hãy đề cập giá trị này trước nếu cần.


Các bước tiếp thị qua điện thoại:

1. Lập danh sách KH tiềm năng, phân chia nhóm đối tượng KH
2. Xác định đối tượng tiếp cận, công ty nào sẽ mua sản phẩm DV của bạn
3. Thăm dò thông tin về khả năng, nhu cầu mua và sử dụng DV của bạn hiện tại và tương lai gần
4. Chiến lược ưu tiên cho KH mà bạn đang hướng đến
5. Chuẩn bị cho mỗi cuộc gọi thật chi tiết, tỉ mỉ, đầy đủ thông tin cần thiết
6. Kịch bản với những người gác cổng
7. Liên lạc và thuyết phục người có quyền quyết định mua sản phẩm của bạn
8. Trình bày, giới thiệu sản phẩm
9. Thương lượng và giải quyết tất cả các tình huống phản bác, từ chối khéo
10. Kết thúc cuộc gọi, xác định cuộc hẹn trực tiếp trao đổi với KH
11. Đánh giá tỷ lệ thành công sau khi gọi cho KH.


(Theo pcworld.com.vn)

7“mẹo vàng” để chào hàng qua điện thoại


Sự phát triển và bùng nổ công nghệ trong những năm gần đây tại Việt Nam đang mở ra một phương thức tiếp cận khách hàng mới: kỹ năng chào hàng qua điện thoại. Giữ nhiệm vụ này ở các doanh nghiệp là bộ phận Telesales.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi về mặt thời gian, chi phí đi lại, phương pháp bán hàng mới cũng ẩn chứa nhiều thử thách đòi hỏi người bán hàng phải vượt qua. 7 chìa khóa vàng dưới đây sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm thực hiện những cuộc điện thoại chào hàng thành công.

1. Chuẩn bị thật kỹ nội dung cuộc gọi

Không-chuẩn-bị là chuẩn-bị cho sự thất bại. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch của bất cứ ngành nghề nào. Dù bạn có là chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng qua điện thoại, bạn cũng không được phép bỏ qua giai đoạn này.

Trước mỗi cuộc điện thoại, hãy tìm hiểu thật kỹ những thông tin về khách hàng và nếu có thể hãy thu thập thông tin liên quan đến cá tính, thói quen, sở thích của người bạn sẽ thực hiện cuộc gọi. Hãy vạch ra cuốn sổ bán hàng của bạn về mục đích cuộc gọi, những thông tin bạn sẽ trao đổi và những câu trả lời cho những tình huống khách hàng có thể “bắt bí” bạn. Sự chuẩn bị của bạn công phu bao nhiêu thì cơ hội thành công trong cuộc điện thoại chào hàng của bạn sẽ cao bấy nhiêu.

2. Luyện tập trước khi diễn

Nếu bạn là người mới vào nghề thì đây là bước đặc biệt quan trọng với bạn. Bạn nên nhớ, khi bạn thực hiện cuộc gọi có nghĩa là chính bạn đang là người đại diện cho hình ảnh và thương hiệu của công ty. Bạn không có quyền “lấy khách hàng làm đồ nhắm” cho những sai sót của chính mình.

Bạn nên nhờ sự giúp đỡ của những đồng nghiệp trong quá trình luyện tập. Hãy để họ đóng vai khách hàng và bạn là một nhân viên bán hàng qua điện thoại thực hiện cuộc gọi. Sự nhận xét của đồng nghiệp trong quá trình bạn luyện tập sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm quý báu để tránh những sai sót có thể xảy ra khi thực hiện cuộc gọi thật. Và cả khi bạn đã là “cao thủ” trong nghề bán hàng qua điện thoại, bạn cũng nên dành một vài phút để “tưởng tượng” ra cuộc gọi bạn chuẩn bị thực hiện.

3. Hãy để cơ thể bạn thư giãn

Bạn có biết, khi giao tiếp qua điện thoại, hiệu quả thông điệp truyền tải đến khách hàng được quyết định 86% bởi giọng nói và chỉ có 14% qua nội dung bạn trao đổi? Bởi vậy tư thế của bạn trong quá trình điện thoại có tác động đặc biệt quan trọng đến kết quả cuối cùng cuộc chào hàng.
Trước khi thực hiện cuộc gọi, hãy hít thở thật sâu và tự thưởng cho mình một nụ cười vui vẻ. Hãy ngồi với tư thế thoải mái nhất, cầm điện thoại bằng tay trái, để ống nghe cách miệng 4-5 cm với độ nghiêng 45 độ để đảm bảo giọng nói của bạn được truyền tải chính xác nhất. Bạn cũng cần tránh để khuỷu tay cầm điện thoại lên bàn hoặc các động tác gò bó gây áp chế cho lồng ngực và ảnh hưởng đến sự phát âm của bạn.

4. Vượt qua thư ký thông minh

Để tiếp cận được người mà bạn thực sự muốn gặp trong một công ty bạn đang nhắm đến không phải là điều dễ dàng. Thử thách đầu tiên mà bạn cần phải vượt qua là “những cô thư ký thông minh”. Nhiều người bán hàng thất bại do không biết cách vượt qua “cửa” đầu tiên này.

Thư ký hoặc lễ tân luôn có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc điện thoại không cần thiết và chọn lọc ra những cuộc gọi quan trọng trong số hàng trăm cuộc gọi đến công ty hàng ngày. Nhiệm vụ của bạn là làm sao cho những cô thư ký thông minh hiểu vấn đề bạn đang trình bày rất quan trọng. Bí quyết để “đánh lừa” sự cảnh giác của các cô là hãy cố gắng làm cho vấn đề của bạn trở nên cấp bách vượt quá tầm giải quyết của họ. Bạn có thể nói đơn giản, bạn có một công chuyện hợp tác muốn bàn với sếp của họ. Nếu bạn biết tên vị sếp đó hãy nhắc đến để tăng thêm lòng tin của các thư ký. Nên nhớ, hãy nói ngắn gọn với chất giọng mạnh mẽ và khẩn cấp.

5. Ngay lập tức thu hút sự chú ý của khách hàng

Khách hàng không có nhiều thời gian dành cho bạn, nhất là giao tiếp qua điện thoại. Hãy đi thẳng vào vấn đề, đừng cố dài dòng giải thích. Ngay lập tức gây ấn tượng với khách hàng bằng chất giọng chuyên nghiệp, ấm áp, nghiêm trang nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng. Bạn hãy nói với khách hàng rõ, bạn đang mang đến những giá trị và lợi ích cho khách hàng.

Ví dụ, nếu bạn muốn chào hàng với dịch vụ là các khóa đào tạo trực tuyến, bạn có thể nói: “Chào anh Minh, Em là Hương bên Tập đoàn GK. Em gọi điện cho anh với mong muốn giới thiệu đến doanh nghiệp một giải pháp cho phép anh giảm 50% chi phí đào tạo, tiết kiệm 60% thời gian học tập và nâng cao 25% hiệu quả làm việc”.

Nếu bạn xin một cuộc gặp 30 phút hay 1 tiếng đồng hồ điều đó có thể rất khó. Hãy để khách hàng thấy rằng bạn không làm mất nhiều thời gian của họ bằng đề nghị một cuộc hẹn 5-10 phút. Bởi bạn cần biết, khi đã gặp rồi thì 5 phút hay 30 phút là như nhau.

6. Hãy để khách hàng lựa chọn hai trong một

Là một người bán hàng chuyên nghiệp, bạn luôn phải có ý thức hỗ trợ và tư vấn giúp khách hàng ra quyết định. Hãy giúp khách hàng có một quyết định cuối cùng bằng sự lựa chọn một trong hai.

Ví dụ: “Vậy em có thể gặp anh Minh vào thứ 3 hay thứ 4 tuần tới? Vào lúc 9h00 sáng hay 3h30 chiều? Tại văn phòng hay địa điểm nào khác?”

Nếu khách hàng tiếp tục từ chối bạn, bạn đừng cố gắng thuyết phục khách hàng. Hãy lái cuộc gặp sang một vấn đề khác hoặc lùi cuộc hẹn sang một cơ hội khác tốt hơn. Ví dụ: “Anh Minh yên tâm, em chỉ muốn gặp để trao đổi với anh về một giải pháp đào tạo mới bên em chứ anh chưa cần quyết định mua… Nếu tuần này anh bận, em sẽ gọi lại anh vào giờ này tuần sau nhé?”

Dù bạn sử dụng phương pháp nào đi chăng nữa để vượt qua sự từ chối chống đối của khách hàng bạn cũng cần nhớ một nguyên tắc: Kết thúc mỗi cuộc gọi phải mở đường cho một cuộc gọi hoặc một cuộc gặp tiếp theo.

7. Tổng kết bài học sau mỗi cuộc gọi

Kinh nghiệm là kinh qua, nghiệm lại và áp dụng ngay. Nếu bạn muốn trở thành một người bán hàng qua điện thoại chuyên nghiệp bạn nên có ý thức thường xuyên đúc rút kinh nghiệm của mình sau mỗi cuộc gọi. Bạn có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ hoặc tự bản thân mình rút ra các bài học để lần sau mình làm tốt hơn.

Trong quá trình trao đổi qua điện thoại, hãy nhớ dùng tay thuận của mình ghi lại các thông tin quan trọng của khách hàng vào cuốn sổ bán hàng của bạn. Hãy tổng hợp và lưu giữ lại các thông tin cần thiết. Dù thành công hay thất bại, bạn cũng có quyền tự hào, bạn đang trên con đường trở thành người bán hàng qua điện thoại chuyên nghiệp.

Khách hàng nói “không” không có nghĩa là họ sẽ “không mua hàng” mà bạn phải hiểu là “chưa phải lúc này” hoặc bạn đang tiếp cận người “không có đủ thẩm quyền quyết định”. Bãn hãy suy nghĩ và tiếp cận theo một phương pháp khác hiệu quả hơn.