6/17/12

Tạo ra gan người từ tế bào gốc


Tạo ra gan người từ tế bào gốc


Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tạo ra một lá gan người với đầy đủ chức năng từ tế bào gốc, làm tăng hi vọng con người sẽ sản xuất được các cơ quan nhân tạo dành cho những bệnh nhân cần cấy ghép.
>>> Hàn Quốc sử dụng tế bào gốc trị bệnh Huntington
Một nhà khoa học đang làm việc với tế bào gốc
Một nhà khoa học đang làm việc với tế bào gốc - (Ảnh: AFP)
Theo tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ngày 8/6, nhóm nghiên cứu do giáo sư Hideki Taniguchi tại ĐH Yokohama City dẫn đầu đã phát triển các tế bào gốc đa năng (iPS) thành những “tế bào tiền thân”, sau đó cấy vào cơ thể một con chuột.
Các tế bào này sau đó đã phát triển thành một lá gan, tuy nhỏ chỉ 5mm nhưng hoạt động với đầy đủ chức năng của gan người: nó có thể sản sinh ra các protein và phân giải thuốc.
Nghiên cứu đột phá này mở cơ hội tạo ra các cơ quan người, vốn là vấn đề đau đầu của các bác sĩ do họ thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nội tạng của người hiến cho các ca cấy ghép.
Yomiuri Shimbun nhận định nghiên cứu trên có thể “là cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng lâm sàng”, nhưng nó sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi được ứng dụng trong y học.
Tế bào gốc thường được lấy từ phôi thai người, và vấn đề này hiện vẫn đang gây tranh cãi về mặt đạo đức, trong khi các iPS có thể lấy từ người trưởng thành.
Các iPS có tiềm năng phát triển thành bất kỳ dạng mô nào của cơ thể, được khám phá vào năm 2006 trong hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ của các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản.
Theo Tuổi Trẻ

Sự sống trong xác chết 17 ngày


Tế bào gốc có thể sống ít nhất 17 ngày trong cơ thể người chết, theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Viện Pasteur, Pháp.
Khi tiếp cận tử thi đã chết 17 ngày, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Pasteur phát hiện các tế bào gốc vẫn “sống”, và đây chưa phải giới hạn tồn tại cuối cùng của chúng. Nhà bệnh học thần kinh, ông Fabrice Chrétien, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết trên LiveScience: “Có thể tế bào gốc còn tồn tại được lâu hơn thế”.
Nghiên cứu tiến hành với các tử thi được bảo quản tại nhiệt độ 4 độ C, với tế bào gốc được tách ra là loại tế bào gốc hình thành cơ xương. “Các tế bào này đã kháng lại những điều kiện độc hại và khắc nghiệt đến mức sống được đến 17 ngày trong cơ thể đã chết”, Chrétien cho biết.
Tế bào gốc là tế bào nền móng mà từ đó các loại tế bào của cơ thể người được tạo ra. Đây là một đặc tính vô cùng giá trị trong điều trị bệnh.
Tế bào gốc vẫn tiếp tục sống trong cơ thể đã chết 17 ngày.
Tế bào gốc vẫn tiếp tục sống trong cơ thể đã chết 17 ngày.
Tuy nhiên, những tế bào này thường rất hiếm, ít xuất hiện trong các mẫu mô của bệnh nhân và rất khó phân biệt với các loại tế bào khác. Vì vậy, các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp mới để tạo ra tế bào gốc và cải thiện khả năng tồn tại của nó.
Nghiên cứu trước đây cho rằng tế bào gốc có thể tồn tại được 2 ngày trong xác chết. Song theo các nhà khoa học, xác chết không phải là môi trường lý tưởng cho bất kỳ tế bào nào, do thiếu oxy và dưỡng chất mà tế bào của cơ thể cần để duy trì sự sống.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy tế bào gốc còn sống trong cơ thể con chuột chết 14 ngày. Những tế bào này vẫn hoạt động bình thường sau khi cấy vào cơ thể của chuột sống và giúp nó tái tạo lại những mô bị hỏng.
Tuy nhiên, Chrétien nhấn mạnh: “Như vậy không có nghĩa chúng tôi sẽ dùng tế bào từ xác chết lâu ngày để điều trị cho bệnh nhân. Đối với điều trị lâm sàng, chúng tôi chỉ dùng những tế bào từ xác mới chết vài giờ đồng hồ".
Những tế bào gốc ở xác người và chuột được tìm thấy đều ở dạng “ngủ đông”, hoạt động trao đổi chất giảm mạnh. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện tế bào gốc có khả năng ngủ đông lâu như vậy.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán, hoặc hoá chất xuất hiện sau khi chết hoặc mức độ oxy và dưỡng chất thấp trong xác hoặc kết hợp tất cả nhân tố trên có thể làm cho tế bào gốc rơi vào tình trạng ngủ đông, giúp chúng tồn tại hàng tuần.
Việc hiểu sâu về trạng thái ngủ đông này có thể tạo ra những cách thức mới giúp tế bào gốc tồn tại lâu hơn, phục vụ cho mục đích chữa trị.
Theo Vietnamnet

Biến mỡ thành xương

Tạo ra xương từ mỡ là ý tưởng lạ lùng đối với mọi người, kể cả các nhà văn từng viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, song các nhà nghiên cứu tại Israel vừa biến nó thành hiện thực.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Technion tại Israel và tập đoàn Bonus BioGroup lấy các tế bào gốc trung mô (mesenchymal) từ mỡ của người. Họ đưa tế bào vào “lò phản ứng sinh học” - một cỗ máy có đầy đủ những điều kiện để tế bào gốc trung mô phát triển thành xương, Telegraph đưa tin.
Giáo sư Avinoam Kadouri, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn khoa học của tập đoàn Bonus BioGroup, nói rằng ông và các đồng nghiệp đang tìm cách tạo ra sụn mềm ở chóp xương. Nếu tạo ra được sụn mềm, nhóm nghiên cứu có thể “sản xuất” những đoạn xương hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm.
Một mẩu xương mà các nhà khoa học Israel tạo ra từ mỡ trong phòng thí nghiệm.
Một mẩu xương mà các nhà khoa học Israel tạo
ra từ mỡ trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Telegraph)
Thành tựu của các nhà khoa học Israel sẽ mở ra hướng mới trong việc điều trị xương dập nát. Để phục hồi xương dập của một người nào đó, hiện nay các bác sĩ phải lấy những mẩu xương từ chỗ khác trong cơ thể bệnh nhân và đặt chúng vào những vị trí bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp bác sĩ phải lấy xương từ cơ thể khác, song chúng thường bị cơ thể người bệnh đào thải. Kỹ thuật của các nhà khoa học Israel tạo ra xương từ chính tế bào gốc của người bệnh nên xương mới sẽ không bị cơ thể từ chối. Thậm chí bác sĩ còn có thể thay toàn bộ xương của một người bằng bộ xương được “sản xuất” từ tế bào gốc của chính người đó.
Kỹ thuật cấy ghép xương nhân tạo đã được áp dụng thành công trên cơ thể động vật. Trong một thử nghiệm gần đây, các nhà khoa học đã nhét một đoạn xương người nhân tạo có chiều dài gần 25mm vào vị trí giữa trên xương chân của chuột. Đoạn xương người đã “hội nhập”thành công với xương của chuột.
Nhiều nhóm chuyên gia trên khắp thế giới đang nghiên cứu những kỹ thuật tái tạo xương bằng tế bào gốc. Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học cấy tế bào gốc vào cơ thể bệnh nhân chứ không nuôi dưỡng chúng bên ngoài cơ thể bệnh nhân để chúng trở thành xương.
Theo VNE, Telegraph

Trẻ mãi không già nhờ tế bào gốc


Tế bào gốc có thể chặn đứng sự lão hóa, thậm chí là kéo dài tuổi thọ tới ba lần, các nhà khoa học tuyên bố.
>>> Dùng tế bào gốc điều trị bệnh thiếu máu di truyền
Một thí nghiệm mới đây đã chứng minh, chỉ một mũi tiêm tế bào gốc duy nhất đã giúp những con chuột bạch sống lâu gấp ba lần. Ngoài ra, mũi tiêm còn giúp chúng phát triển lớn hơn và khỏe mạnh hơn.
Theo DailyMail, hiệu quả của mũi tiêm thậm chí còn hiện rõ trên những tế bào trong đĩa thí nghiệm, nơi các tế bào gốc trẻ trung được đặt cạnh tế bào đang lão hóa. Kết quả cho thấy, những tế bào yếu, già nua cũng như được “hồi xuân” khi đặt cạnh các tế bào mới khỏe mạnh.
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu tế bào gốc có thể là chìa khóa cho thần dược trẻ mãi không già
Các nhà khoa học tin rằng nghiên cứu tế bào gốc có
thể là chìa khóa cho thần dược trẻ mãi không già
Đại học Pittsburgh cũng tiến hành thí nghiệm trên những con chuột đã được biến đổi gene để lão hóa sớm, một hội chứng có tên khoa học là progeria. Căn bệnh này cũng bắt gặp ở người, khi nhiều em bé có gương mặt và hình hài của những cụ già. Khi quan sát tế bào gốc của những con chuột mắc bệnh, các chuyên gia nhận thấy không chỉ ít hơn về số lượng mà tốc độ tái tạo tế bào của chúng cũng chậm hơn nhiều so với tế bào gốc ở chuột bình thường. Tuy nhiên, sau khi được tiêm tế bào gốc, những con chuột progeria sẽ sống được lâu hơn ba lần so với khi không được tiêm, từ trung bình 21-28 ngày tuổi lên hơn 66 ngày. Kích cỡ của chúng cũng lớn gần bằng những con chuột khỏe mạnh, bên trong não và cơ xuất hiện thêm nhiều mạch máu mới.
Tiến sĩ Laura Niedernhofer tin rằng, đó là vì tế bào gốc khỏe mạnh đã giúp sửa lại những điểm bất thường bên trong tế bào của chuột lão hóa. Não và cơ bắp của chuột có sự cải thiện đáng kể về chức năng, dù cho nhóm nghiên cứu không hề tìm thấy tế bào gốc tại những cơ quan này. “Trên thực tế, tế bào gốc không hề nhập cư vào một mô hay cơ quan cụ thể nào sau mũi tiêm”, bà Niedernhofer cho biết. “Sự thật này khiến chúng tôi tin rằng, những tế bào khỏe sẽ thiết lập nên một môi trường mới bên trong cơ thể, giúp khắc phục những lỗi bất thường hoặc rối loạn ở tế bào gốc của vật chủ”.
Theo Daily mail, Vietnamnet