3/30/12

Tế bào gốc


Tế bào gốc là gì ?


Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt ( chưa biệt hoá) nhưng có khả năng trở thành các tế bào chuyên biệt và có chức năng mới tương ứng.
Tế bào gốc có đặc tính đặc biệt là có thể phát triển thành các dạng tế bào khác nhau trong của cơ thể.
Tế bào gốc làm việc như một hệ thống sửa chữa, tái tạo bằng cách phân chia không giới hạn để bổ sung các dạng tế bào khác nhau.
Tế bào gốc khi phân chia sẽ tạo ra tế bào tương tự nó hoặc tế bào có chức năng đực biệt mới. Hầu hết sửa chữa mô trong cơ thể động vật có vú và cơ thể người là do kích hoạt tế bào gốc, tế bào mầm. Chính vì vậy từ tế bào gốc có thể tạo ra nhiều dòng tế bào khác nhau, nhiều sản phẩm khác nhau với nhiều ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong chữa bệnh và thẩm mỹ.
Tế bào gốc được phân chia thành 4 dạng chính dựa vào nguồn gốc của nó: đó là tế bào gốc phôi, tế bào gốc thai, tế bào gốc từ dây rốn và tế bào gốc từ người trưởng thành.
Tế bào gốc là tế bào có khả năng phân chia vô hạn định, và có khả năng sinh sản và tạo nên các tế bào khác có những chức năng chuyên biệt, một khi nó được cấy vào một môi trường thích hợp. Để cho chúng ta có một khái niệm cụ thể về các chức năng của tế bào gốc, điều tốt nhất là chúng ta thử khảo-sát chúng trong các tiến trình phát triển nơi con người được bắt đầu khi tinh trùng làm cho trứng (noãn) thụ tinh, và sau đó tạo nên một tế bào duy nhất, gọi là hợp-tử, tế bào này có khả năng tự tại phát triển thành một cơ thể (organism). Vì thế, trứng thụ tinh (hợp-tử) còn được coi như là tế bào toàn-năng. Sau khi trứng đã được thụ tinh, chỉ vài tiếng đồng hồ sau (khoảng 4-6 tiếng), hợp tử sẽ tự động phân chia thành nhiều tế bào toàn-năng (totipotent cells), đồng chất thể về mặt di truyền.
Vì lý do đó, mà giả thể ta lấy một tế bào toàn-năng (đã được phân chia sau khi trứng đã thụ tinh khoảng 3 ngày) đem cấy vào vách tử cung của người phụ nữ (nếu thành công) thì tế bào này có khả năng phát triển thành bào thai. Từ đó, ta có thể giải thích hiện tượng sinh đôi, là một trứng sau khi đã thụ tinh, tự phân chia làm 2 tế bào toàn-năng riêng biệt và rồi sau đó sẽ tự phát triển thành 2 cá thể riêng rẽ (trong thời hạn 14 ngày, kể từ khi thụ tinh).
Do đó, xét về mặt di- truyền thì trẻ em sinh đôi (cùng một trứng) có cùng chung một gien y hệt như nhau.
Khoảng 4 ngày, sau khi trứng đã thụ tinh, hợp-tử sẽ trải qua nhiều chu kỳ phân chia tế bào, gọi là hiện tượng nhân đôi: từ 1 tế bào duy nhất thành 2, điều này diễn ra khoảng 30 tiếng đồng hồ sau khi trứng đã thụ tinh. Sau 40-50 giờ, chúng sẽ tự phân chia thành 4 tế bào, và sau 60 tiếng đồng hồ thành 8 tế bào. Khi trứng đã thụ tinh tiến gần đến lối dẫn vào tử cung, nó phát triển thành 16 tế bào, và người ta gọi nó là phôi dâu (Morula). Sự kiện này diễn ra vào ngày thứ 4 kể từ khi trứng đã thụ tinh. Trong giai đoạn này, chưa có sự tiền định của bất cứ một tế bào nào sẽ trở thành một thực thể (entity) riêng biệt hay là bộ phận của thực thể. Khoảng chừng ngày thứ 6 hoặc ngày thứ 7, hợp tử (tên gọi của trứng sau khi đã thụ tinh) sẽ trở thành phôi bào (Blastocyst) và nó di chuyển đến vách tử cung để bắt đầu tiến trình làm tổ, nếu thành công, việc thụ thai sẽ diễn ra và phôi bào sẽ tiếp tục phát triển.
Ở vào thời điểm này, ta có thể phân biệt là phôi bào gồm có hai loại tế bào: 1) Loại tế bào thứ nhất trở thành màng bao bọc phôi bào (tiếng Anh gọi là Trophectodern); 2) Loại thứ hai là các tế bào nội tại (Inner Cell Mass = ICM) 5 Các tế bào nội tại này sẽ thiết lập hầu hết các mô (tissues) của thân thể. Mặc dầu các tế bào nội tại có thể tạo thành, dường như, tất cả các loại tế bào nơi thân thể con người, nhưng chúng lại không có khả năng để tạo thành một cơ thể (organism). Các tế bào nội tại được coi như là các tế bào đa-năng, vì chúng có khả năng trợ giúp nhiều loại tế bào khác nhau. Các tế bào nội tại có tính đa-năng, tuy nhiên, chúng không phải là các tế bào toànnăng, vì lý do đó chúng không thể tạo nên một cơ thể, như các tế bào toàn-năng, tỷ dụ như tế bào hợp-tử.
Những tế bào gốc đa-năng (Pluripotent stem cells) tiếp tục trải qua nhiều sự phânhóa để trở thành những tế bào gốc với chiều hướng nhằm yểm trợ các tế bào mà chúng có những chức-năng hoặc phận-vụ chuyên-biệt. Tỷ dụ như tế bào gốc của máu (Blood stem cells), thì trợ giúp các hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Các tế bào gốc của máu hiện diện trong tủy (của xương – bone marrow) của trẻ em cũng như người lớn, thực vậy, chúng có thể tìm thấy trong máu hiện đang lưu thông nơi các huyết quản. Tế bào gốc của máu nắm giữ một vai trò rất quan trọng, trong công việc cung cấp cho đủ số tế bào máu trong thân thể con người, suốt cả cuộc đời. Các tế bào máu thì gồm có: hồng huyết cầu và bạch huyết cầu. Chúng ta không thể sống sót nếu không có các tế bào gốc của máu.